Kinh Thánh tĩnh nguyện

   Có một câu hỏi rất quan trọng được đưa ra khi chúng ta học Kinh Thánh. Chúng ta sẽ đặt việc học Kinh Thánh quan trọng đến mức độ nào mà cả đời sống và ý muốn của chúng ta đều gắn liền vào đó? Kinh Thánh từ đầu đến cuối đều bày tỏ ý kiến của Ðức Chúa Trời về vấn đề nầy. Chúng ta học Kinh Thánh để Lời Chúa trở thành thẩm quyền tối hậu trong mọi vấn đề về đức tin và đạo đức (II Ti-mô-thê 3:16-17).

   Ðầu tiên trong sự thông công với dân của Ngài, Ðức Chúa Trời đã bày tỏ ý muốn và mục đích của Ngài. Ngài cũng cho dân Ngài biết rằng Ngài mong đợi họ biết mạng lịnh của Ngài và hành động theo, “Anh em hãy cẩn thận làm theo mọi điều tôi dặn bảo anh em, không được thêm bớt gì cả” (Phục Truyền 12:32). Ngài cũng nói rằng Ngài sẽ thử họ để xem họ có hiểu lời Ngài và vâng lời không (Phục Truyền 13:1-3).

   Ðiều gì xảy ra nếu một tiên tri hay một người thông giải khải tượng đến khu vực của bạn và thực hiện một phép lạ ứng nghiệm một lời hứa theo cách đặc biệt. Ðiều đó có làm người đó là một tiên tri thật không? Không, trừ khi điều người đó nói phù hợp với điều mà Ðức Chúa Trời đã dạy trong Lời của Ngài (xem Phục Truyền 13:1-3).

   Nguyên tắc này được lặp lại xuyên suốt Kinh Thánh. Chúng ta không bị dẫn trệch đường bởi những dấu kỳ, phép lạ mà đó chỉ là sự tiêu khiển hay bất kỳ điều gì đó kéo chúng ta ra khỏi chân lý trong Lời Ðức Chúa Trời.

   Phương cách để chúng ta giữ mối liên hệ mật thiết với Chúa Giê-xu là sống theo Lời Ngài: “Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta” (Giăng 15:10). Chúng ta có thể bày tỏ tình yêu của mình với Ðấng Christ qua sự vâng theo ý muốn được bày tỏ của Ngài: “Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta” (Giăng 15:14).

   Lời Ðức Chúa Trời là chân lý (Giăng 17:17). Vì vậy chúng ta phải làm cho lời ấy thành thẩm quyền cao nhất trong đời sống cá nhân và đời sống tập thể Hội Thánh chúng ta. Trong nhiều ngôi giáo đường của chúng ta, chúng ta đặt bục giảng ở giữa tòa giảng vì đó là nơi Lời Ðức Chúa Trời được rao ra. Ðiều nầy minh họa cho điều Ða-vít, tác giả Thi Thiên đã nói : “Vì Chúa đã làm cho lời Chúa và danh Chúa được tôn cao hơn tất cả” (Thi Thiên 138:2).

   Lời Ðức Chúa Trời phải được ở vị trí ưu tiên trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. Chúng ta phải đặt sự dạy dỗ của Lời Chúa trên lời khuyên của gia đình hay bạn bè. Chúng ta phải chú ý đến những lời cảnh cáo và những lời hướng dẫn của Kinh Thánh. Lời Chúa phải cai trị tình cảm của chúng ta.

   Vì vậy, thật quan trọng biết bao để có sự dạy dỗ Kinh Thánh đúng đắn trong Hội Thánh. Chúng ta phải khuyến khích tín hữu yêu mến sự học hỏi Lời Chúa có hệ thống. Tín hữu có thể cùng nhau đến nhà Ðức Chúa Trời không phải vì những chương trình hay những cá nhân giảng dạy, nhưng vì họ yêu mến Lời Ðức Chúa Trời.

Cỏ khô, hoa rụng, Nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta đứng vững đời đời!”

—(Ê-sai 40:8)

Lời Chúa mỗi ngày!

Đăng ký nhận bài