Tâm linh - Nếp sống

   Bây giờ chúng ta sẽ lấy lời giải thích quan trọng về đời sống Cơ-đốc bình thường được tìm thấy trong tám chương đầu của Thư gửi cho người La Mã (sách Rô-ma) làm điểm khởi đầu cho sự học tập của mình về đời sống này. Chúng ta sẽ bàn đến đề tài của mình từ một cái nhìn thực tế và có tính cách thực nghiệm. Trước hết, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta nêu lên hai phần khác nhau của tám chương đầu sách Rô-ma được phân ra cách tự nhiên, và lưu ý những sự khác biệt nổi bật trong chủ đề của hai phần này.

   Tám chương đầu của sách Rô-ma hình thành một đơn vị độc lập. Bốn chương rưỡi từ 1:1 đến 5:11 hình thành nửa phần đầu của đơn vị này, và ba chương rưỡi từ 5:12 đến 8:39 là nửa phần sau. Khi đọc cẩn thận, chúng ta sẽ thấy chủ đề của hai phần này không giống nhau. Chẳng hạn trong sự biện luận ở phần đầu, chúng ta thấy từ ngữ số nhiều “những tội lỗi” là điều nổi bật. Tuy nhiên, trong phần thứ hai, điều này đã thay đổi, vì trong khi từ ngữ “những tội lỗi” hầu như không xuất hiện một lần nào, thì từ ngữ “tội” số ít lại được dùng đi dùng lại, và là đề tài chính yếu được bàn đến. Vì sao vậy? Vì trong phần đầu, vấn đề là những tội lỗi tôi đã vi phạm trước mặt Đức Chúa Trời, mà những tội ấy thì nhiều và có thể đếm được, trong khi ở phần thứ hai, vấn đề là tội, như một nguyên tắc hành động trong tôi.

   Cho dầu tôi có phạm bao nhiêu tội lỗi, luôn luôn đó là do nguyên tắc tội đã dẫn đến những tội lỗi ấy. Tôi cần được tha thứ các tội lỗi mình, nhưng tôi cũng cần được giải cứu khỏi quyền lực của tội. Điều trước đụng chạm đến lương tâm tôi, điều sau đụng chạm đến sự sống tôi. Tôi có thể được tha thứ tất cả những tội lỗi mình, nhưng vì tôi có [nguyên tắc] tội, nên sau đó tâm trí tôi không được bình an.

   Khi ánh sáng của Đức Chúa Trời lần đầu chiếu vào lòng tôi, tiếng kêu la duy nhất của tôi là xin được tha thứ, vì tôi nhận biết mình đã phạm nhiều tội lỗi trước mặt Ngài, nhưng một khi đã nhận được sự tha thứ các tội lỗi, tôi khám phá ra một điều mới mẻ, tức là khám phá ra tội, và tôi nhận biết không những mình đã phạm các tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời, mà còn có một điều gì sai trật bên trong. Tôi khám phá ra rằng mình có bản chất của một tội nhân. Có một khuynh hướng phạm tội ở bên trong, một quyền lực ở bên trong kéo tôi phạm tội. Khi quyền lực ấy bộc phát, thì tôi phạm tội. Tôi có thể tìm kiếm và nhận lãnh sự tha thứ, nhưng sau đó tôi lại phạm tội. Cho nên cuộc sống tiếp diễn trong cái vòng lẩn quẩn, cứ phạm tội, được tha, rồi lại phạm tội. Tôi quí sự thật phước hạnh về sự tha thứ của Đức Chúa Trời, nhưng tôi muốn một điều gì hơn như vậy: tôi muốn được giải cứu. Tôi cần được tha thứ những gì mình đã làm, nhưng tôi cũng cần được giải cứu khỏi bản chất của mình.

Wachman Nee

Từ khóa: Nếp sống Nan đề

Lời Chúa mỗi ngày!

Đăng ký nhận bài