Thần Lẽ Thật, qua Phao-lô, bảo đảm với chúng ta rằng Ðức Chúa Trời đã chúc phước cho chúng ta với mọi thứ phước thiêng liêng trong Ðấng Christ. Những phước hạnh đó là của chúng ta, là con của sự sáng tạo mới và luôn sẵn có cho chúng ta ngay bây giờ bởi sự vâng phục của đức tin. Phi-e-rơ, cũng được cảm động bởi chính Thần Lẽ Thật đó, nói với chúng ta về sự thừa kế được bảo đảm cho chúng ta bởi sự sống lại của Ðấng Christ, một sự thừa kế không thể mất đi, không có một chút ô uế, không hề phai tàn, đã được sắm sẵn cho chúng ta trên thiên đàng.
Không có gì mâu thuẫn ở đây cả, vì một sứ đồ nói về những ích lợi hiện tại và người kia thì nói về những món quà sẽ được ban tặng khi Ðấng Christ tái lâm. Và cả hai đều vượt quá mọi lời lẽ của con người, để ca ngợi về quá nhiều những phước lành mà chúng ta đã nhận lãnh rồi.
Có lẽ chúng ta sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta tưởng tượng chính mình như một con cá trong một dòng sông rộng lớn, lập tức được hưởng trọn dòng chảy của con sông, nhớ lại với lòng biết ơn dòng nước đã chảy qua và chờ đợi trong sự biết trước về sự đầy trọn đang tuôn chảy trên chúng ta từ nơi thượng nguồn. Ðây là một hình ảnh thi vị bất toàn; nhưng điều này là thật, chúng ta, những người tin cậy nơi Ðấng Christ, được sinh ra trong ân điển hiện tại, và khi chúng ta nhớ lại, với lòng tạ ơn Chúa về sự nhân từ mà chúng ta đã tận hưởng trong những ngày đã qua và với niềm hy vọng phước hạnh, chúng ta trông đợi ân điển và sự nhân từ đang chờ chúng ta ở phía trước.
Bernard ở Clairvaux từng nói về một loại "hương thơm được hình thành từ những phước hạnh của Ðức Chúa Trời được (con cái Chúa) ghi nhớ." Thức hương đó rất hiếm. Mỗi người theo Chúa phải toát ra mùi hương đó; không phải những gì chúng ta đã nhận lãnh từ lòng tốt của Ðức Chúa Trời nhiều hơn điều mà chúng ta có thể tưởng tượng, trước khi chúng ta biết Ngài và tự chúng ta đã khám phá ra Ngài giàu có và rộng rãi như thế nào, hay sao?
Những ơn phước được ghi nhớ, sự tạ ơn vì những đặc ân hiện tại và sự ngợi khen vì ân điển đã được ứng hứa hòa trộn vào nhau như nhũ hương, một dược để tạo nên một hương thơm quý hiếm cho những bộ trang phục của các thánh nhân. Với thức hương này, Ða-vít cũng đã thoa lên cây đàn của mình và những bài thánh ca của thời đại đó đã trở nên ngọt ngào với nó.
Có lẽ cần phải có một đức tin thuần khiết hơn để ngợi khen Ðức Chúa Trời vì những ơn phước chúng ta nhận lãnh được mà chúng ta không nhận biết hơn là những cái mà chúng ta đã hưởng hay hiện đang được vui hưởng. Vậy mà nhiều người đã lên đến đỉnh cao chan hòa ánh sáng đó, như Anna Waring đã viết,
Vinh hiển thuộc về Ngài
vì tất cả mọi ân điển mà con chưa từng nếm trải...
Khi chúng ta bước vào sự hiểu biết cá nhân sâu nhiệm hơn với Ðức Chúa Trời Ba Ngôi, tôi nghĩ trọng tâm của đời sống chúng ta sẽ chuyển từ cái quá khứ và hiện tại sang cái tương lai. Lần hồi chúng ta sẽ trở thành những người con của một hy vọng sống và là con của một tương lai chắc chắn. Lòng chúng ta sẽ trân trọng những kỷ niệm của quá khứ và đời sống chúng ta sẽ ngọt ngào với lòng biết ơn Ðức Chúa Trời vì con đường vững chắc mà chúng ta đi tới; nhưng đôi mắt chúng ta sẽ ngày càng hướng về hy vọng phước hạnh của ngày mai.
Phần lớn Kinh Thánh chứa đựng những lời tiên tri. Không có điều gì mà Ðức Chúa Trời đã làm cho chúng ta lại có thể so sánh với tất cả những gì được viết trong lời tiên tri chắc chắn đó. Và không có gì Ngài đã làm hay có thể còn làm cho chúng ta có thể so sánh với việc Ngài là gì và sẽ là gì đối với chúng ta. Có lẽ một soạn giả thánh ca đã nghĩ đến điều này trong tâm trí mình khi cô hát:
Con có một di sản của niềm vui
Là cái mà con không cần phải thấy;
Bàn tay đã tuôn huyết để biến nó thành của con
Ðang gìn giữ nó cho con.
Có thể nào "di sản của niềm vui" đó lại kém hơn Khải Tượng Hạnh Phúc sao?
- A. W. Tozer -