Trong cuộc trò chuyện với người đàn bà Samari (Giăng 4), Chúa Jesus đã cho chúng ta thấy một chân lý khác về sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Ngài nói rằng Đức Chúa Trời không để ý nhiều đến việc chúng ta thờ phượng Ngài ở đâu (nơi chốn), mà Ngài chú ý đến cách chúng ta thờ phượng Ngài (thái độ) – bằng tâm thần và lẽ thật. Chúa Jesus không đề cập đến các hình thức thờ phượng, mà đề cập đến cách thờ phượng. Ngài muốn cho chúng ta thấy trong sự thờ phượng, tình cảm và trí tuệ của chúng ta quan trọng như thế nào, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào nơi chốn hay lễ nghi tôn giáo như những người Samari và Do Thái thường làm vào thời bấy giờ.
Sự thờ phượng duy nhất có thể chấp nhận được bao gồm cả 2 yếu tố. Nếu chúng ta chỉ thờ phượng bằng tâm thần thôi, chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ thờ phượng một hình tượng hoặc một hình ảnh méo mó của Đức Chúa Trời chân thần, bởi vì chúng ta không hiểu biết về Ngài. Điều này không làm Chúa đẹp lòng. Trên một phương diện khác, nếu chúng ta chỉ thờ phượng Chúa bằng lẽ thật mà thôi, thì sự thờ phượng của chúng ta sẽ trở nên lạnh lẽo và mất đi tình cảm yêu thương, thân mật với Đức Chúa Trời. Kiểu thờ phượng này cũng không làm Ngài vui lòng. Thật vậy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu biết lẽ thật bằng trí tuệ của chúng ta và thờ phượng Ngài bằng cảm xúc xuất phát từ đáy lòng của chúng ta.
Câu hỏi 1: Những hình thức thờ phượng nào bạn cảm thấy có ý nghĩa nhất?
Những yếu tố trong các buổi nhóm thờ phượng chung:
Suốt trong lịch sử hội thánh, các buổi nhóm thờ phượng chung của các hội thánh địa phương đã thể hiện sự thờ phượng theo tinh thần của Thánh Kinh thông qua các yếu tố sau:
• Những bài hát, những bài thánh ca và âm nhạc: hát về Lời của Đức Chúa Trời, chúc tụng, ngợi khen, và tạ ơn Ngài (tập trung tình cảm và những gì bên trong nội tâm của chúng ta vào Đức Chúa Trời).
• Bài giảng: giảng về Lời của Đức Chúa Trời (tập trung buổi thờ phượng của chúng ta vào Đức Chúa Trời bởi việc kêu gọi chúng ta vâng lời Ngài).
• Đọc Kinh Thánh: cùng nhau đọc Lời của Đức Chúa Trời (tập trung tâm trí của chúng ta vào Đức Chúa Trời bằng cách để cho nó ngập chìm trong chân lý).
• Cầu nguyện: tương giao với Đức Chúa Trời (cầu nguyện ngợi khen, cầu nguyện thờ phượng, cầu nguyện xưng tội, cầu thay).
• Các thánh lễ: lễ tiệc thánh, lễ báptem
• Dâng hiến: dâng những của cải, vật chất cho Chúa
• Những sự kiện đặc biệt: hát biệt thánh ca, đọc thơ, đóng kịch, làm chứng…
Hình thức của các yếu tố này khác nhau rất nhiều ở mỗi hội thánh, tùy thuộc vào truyền thống giáo phái hay văn hóa địa phương. Ví dụ: một số hội thánh tổ chức lễ tiệc thánh hằng tuần, những hội thánh khác tổ chức lễ này vào Chúa nhật đầu tiên của tháng. Một số hội thánh nhóm lại vào những buổi sáng Chúa nhật để cùng nhau thờ phượng Chúa; những hội thánh khác gặp nhau mỗi buổi tối và 2 lần trong một năm. Âm nhạc thờ phượng cũng khác nhau rất nhiều.
Câu hỏi 2: Những người cùng thông công với bạn quen thuộc với những yếu tố nào trong sự thờ phượng?
Chọn hình thức thờ phượng thích hợp:
Suốt cả Kinh Thánh, có nhiều hình thức thờ phượng khác nhau. Những yếu tố nào bạn nên cân nhắc khi lên kế hoạch cho các buổi nhóm thờ phượng chung của bạn? Đây là một vấn đề quan trọng cần phải suy nghĩ thật kỹ đối với bạn và ban trị sự hội thánh đang phát triển của bạn. Những hình thức thờ phượng mà bạn chọn sẽ có nhiều khác biệt trong các nền văn hóa khác nhau. Thậm chí trong cùng một thành phố, những người khác nhau về tuổi tác, học vấn, dân tộc, văn hóa, và giáo phái sẽ ra mắt Chúa trong những cách khác nhau. Các hình thức thờ phượng nên để cho người ta thể hiện cả 2 yếu tố là đức tin của họ nơi Chúa (lẽ thật) và những tình cảm, cảm xúc trong mối liên hệ của họ với Đức Chúa Trời (tâm thần).
Các hình thức thờ phượng cần hướng mọi người đến gần Chúa hơn. Vì thế, bí quyết để lên kế hoạch cho một buổi thờ phượng là tìm hiểu cách những người trong khu vực bạn lựa chọn làm mục tiêu thể hiện tình yêu thương, sự vui mừng, sự tự tin, và mối quan hệ sâu sắc với Chúa một cách tự nhiên nhất. Đây là những biểu hiện của sự thờ phượng thật. Đừng bao giờ để sự thờ phượng trở nên cứng nhắc, lạnh lẽo, hoặc được thể hiện theo một cách thức trái ngược với những gì tự nhiên và những cảm xúc tốt đẹp của các tín hữu. Hãy thể hiện một cách chân thật và rõ ràng những cảm xúc của mình đối với Đức Chúa Trời cũng như những điều chúng ta suy nghĩ về Ngài.