Một trong những điều mà một đứa bé không bao giờ tự làm là xin lỗi. Cha mẹ lúc nào cũng phải dạy con khi làm điều gì lỗi lầm thì phải xin lỗi, nhưng dù biết như thế cha mẹ vẫn phải nhắc chúng mới làm. Xin lỗi đã khó mà tha lỗi lại còn khó hơn nữa. Trẻ con không được dạy tha lỗi mà chỉ được dạy xin lỗi mà thôi. Ngay cả từ tha lỗi cũng không có trong ngôn ngữ trẻ thơ, và chúng cũng không hiểu tha lỗi nghĩa là gì. Thường chúng chỉ nghĩ tha lỗi là làm hòa trở lại, là không giận nữa mà thôi. Nhưng làm hòa hay không giận một người chưa chắc đã là tha lỗi.
Xin tha thứ tội lỗi và tha thứ tội lỗi cũng là hai điều Chúa Giê-xu dạy trong bài cầu nguyện mẫu. Chúng ta đang nghiên cứu về bài cầu nguyện này trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 6 "Lạy Cha chúng con ở trên trời. Danh Cha được tôn thánh. Nước Cha mau đến. Ý Cha được nên ở đất như trời. Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ dùng. Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi điều ác. vì Ngôi Nước, Quyền năng và Vinh quang đều thuộc về Cha đời đời vô cùng. A-men."
Hôm nay chúng ta sẽ phân tích phần cầu nguyện: Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.
Lời cầu nguyện này có một điểm khó cần phải giải thích cho rõ. Vì có những người chủ trương rằng một người đã tin Chúa Giê-xu rồi không cần phải xin tha thứ tội nữa. Những người này chia ra hai nhóm.
Một nhóm nói rằng người tin Chúa không cần xin tha tội vì đã được xưng là công chính do lòng tin trước Đức Chúa Trời. Nhưng 'được xưng là công chính' nghĩa là gì? Xưng công chính là một lời tuyên bố của Đức Chúa Trời về việc Ngài đã giải quyết vấn đề tội của chúng ta một cách hoàn toàn đầy đủ qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi chúng ta bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu thay thế chết cho mình, chúng ta được tha tội và được kể là công chính, có phép đến gần Đức Chúa Trời là Cha. Đó là được xưng công chính do lòng tin. Người ta lý luận rằng, nếu tất cả tội lỗi của chúng ta đều đã được giải quyết, đền bù xong qua cuộc hi sinh của Chúa Giê-xu thì tại sao tôi còn phải cầu xin tha tội nữa?
Nhóm người thứ hai nghĩ rằng không cần cầu xin tha tội nữa vì quan điểm của họ về việc thánh hóa. Họ nói rằng, nếu không tiếp tục phạm tội nữa, họ là người hoàn toàn. Vì họ bảo rằng tội đã bị trừ bỏ hoàn toàn, như thế họ được thanh sạch vô tội. đối với những người này, cầu nguyện xin tha tội là không cần thiết. Họ cho rằng không cần, vì mình không phạm tội.
Nhưng câu trả lời cho những người có các quan điểm như vậy là: họ hoàn toàn sai, vì chính Chúa Giê-xu dạy phải cầu nguyện xin tha tội. Chữ tội trong câu chúa dạy có nghĩa là; nợ, vi phạm, lỗi lầm, tội ác. Chúa không nói gì về việc xưng công chính. Chúa không dạy lời cầu nguyện này cho nhưng người vừa mới thức tỉnh và nhận ra rằng tội lỗi của mình cần được tha thứ, nên chạy đến với Chúa để nhận ân sủng cứu rỗi và xác nhận việc được xưng công chính do Chúa Giê-xu. Tại đây Chúa dạy trong tinh thần bài học ở Phúc Âm Giăng chương 13. Đó là khi Chúa Giê-xu rửa chân cho các môn đệ. Sứ đồ Phi-e-rơ khi ấy nói với Chúa: ”Lạy Chúa, không rửa chân mà thôi, nhưng còn tay và đầu nữa.” Chúa trả lời: ”Ai đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân là được sạch cả.” Như thế tắm tượng trưng cho được xưng công chính. Nhưng dù đã được xưng là công chính, chúng ta vẫn sống trên trần gian này, sao khỏi bị tội lỗi vấy bẩn và ô nhiễm? Người nào tin Chúa cũng nhận thấy rõ như vậy. Dù chúng ta biết mình đã được tha thứ tội, chúng ta vẫn cần xin được tha thứ những lỗi lầm và thất bại trong đời.
Thư I Giăng, chương đầu tiên cho thấy rằng người tin Chúa dù sống trong đức tin, vẫn hay sa ngã phạm tội. Và khi phạm tội như vậy, phải làm gì? Giăng dạy: phải xưng tội. ”Nếu chúng ta xưng tội, Chúa thành tín và công chính sẽ tha thứ cho chúng ta và thanh tẩy chúng ta khỏi mọi điều gian ác.” Đây cũng là những lời dạy cho người đã tin Chúa lâu năm.
“Xin tha tội lỗi cho chúng con, cũng như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.” Lời cầu nguyện này là của những người xưng Chúa là Cha. Chỉ có những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu mới được phép gọi Đức Chúa Trời là Cha mà thôi. Đó là những người đã được làm con Đức Chúa Trời qua công ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi nào chúng ta là con, nhận thấy mình có lỗi đối với Cha, chúng ta sẽ xưng tội và xin Cha tha thứ. Tin chắc rằng sẽ được Cha tha thứ. Đối với những người chủ trương rằng mình đã được thánh hóa, không cần phải xin cho được tha tội nữa, Sứ Đồ Giăng cũng dạy trong thư Giăng thứ nhất rằng: ”Nếu chúng ta nói rằng mình vô tội, chúng ta tự lừa dối mình và trong chúng ta không có sự thật.” Người nào không biết chỗ tối tăm của lòng mình, mà chỉ bám chặt vào lý luận mà thôi, là người chưa thực sự tự xét mình. Người càng sống thánh thiện bao nhiêu lại càng có cảm xúc về tội lỗi bấy nhiêu và ý thức được tội ác có mặt trong tâm hồn mình.
Ta để ý kỹ lời dạy này thì thấy rằng Chúa không dạy: Xin tha tội cho chúng con vì chúng con tha tội cho kẻ khác. Nhưng Chúa dạy: Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. Việc ta tha tội cho người khác không phải là một điều kiện để Chúa tha tội cho ta. Nhưng căn cứ vào câu chuyện Chúa kể trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 18, về người đầy tớ không thương xót đối với kẻ mắc nợ mình, mặc dù được chủ xóa cho món nợ lớn, ta thấy rằng Chúa muốn dạy, người nào đã được tha thứ, cũng phải biết thương xót kẻ khác mà tha thứ. Nếu chúng ta là tội nhân đã được Chúa thương tha thứ chỉ vì Chúa Giê-xu đã chịu hi sinh, thì chúng ta cũng phải biết tha thứ. Nếu chúng ta biết Chúa là Cứu Chúa của mình, thì tâm hồn phải mềm dịu sẵn sàng tha thứ. Ngược lại, nếu người nào xưng là tin Chúa mà không chịu tha thứ, nghi rằng người ấy chưa thật sự được Chúa tha thứ tội lỗi cho.
Đó là xin được tha thứ và cũng hứa rộng lòng tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình.
Lời hứa nguyện này rất quan trọng, vì sau khi dạy bài cầu nguyện xong, Chúa Giê-xu còn nhắc lại: ”Nếu các con tha lỗi cho người, thì Cha các con ở trên trời cũng tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người, thì Cha các con cũng sẽ không tha lỗi cho các con.” Người tin Chúa không phải chỉ sống cho phần mình, nhưng còn luôn luôn ảnh hưởng lòng tin đến kẻ khác. Đó chính là mục đích Chúa để con dân của Ngài tiếp tục sống trên mặt đất này. khi ta được tha thứ, phải sống như người được tha thứ, với lòng cảm kích, biết ơn Cha đã tha thứ cho mình, và sống tha thứ đối với kẻ khác. Vì tin Chúa là phản ánh thánh tính của Chúa. Một trong các thánh tính đó là tha thứ. Như thế khi chưa biết tha thứ, chưa xứng đáng gọi Chúa bằng Cha trên trời. Thành ra tha thứ cho kẻ khác không phải là một điều kiện để được tha thứ, nhưng là điều xứng đáng phải làm. Nếu không tha thứ, không thể gọi là con của Chúa, và không phải là con của Chúa khi chỉ khi nào không được tha thứ. Bạn thấy rõ vấn đề chưa?
Một lần nữa ta thấy đạo Chúa rất thực tế. Chúa muốn người tin Chúa trở thành muối và ánh sáng cho trần gian này trong nghĩa cử tha thứ, vì đã được tha thứ. Ta nên nhớ một điều là chúng ta đã được tha thứ vô điều kiện. Chúng ta hoàn toàn nhờ lòng thương và đức hi sinh của Chúa Giê-xu mà được tha thứ, dù chúng ta chỉ xứng đáng bị trừng phạt. Vì vậy khi tha thứ cho người, chúng ta cũng phải áp dụng nguyên tắc cao vời của Chúa đối với ta: hãy tha thứ vô điều kiện. Bạn có kẻ thù không? Không ai là không có kẻ thù, phải không bạn. Bạn đang đối xử như thế nào với kẻ thù? Có bao giờ bạn muốn kẻ thù mình được Chúa tha thứ và cứu vớt không? Trước khi người thù được Chúa tha thứ, người ấy cần được bạn tha thứ đã. Tất nhiên tha thứ bao giờ cũng thiệt thòi, vì lỗi lầm không được đền bù. Tuy nhiên trong tinh thần thương yêu vô điều kiện của Chúa, ta phải tha thứ.
Tóm lại, ta cần đến xin Chúa thứ tha tội mỗi ngày, vì Chúa hứa sẽ tha tội cho chúng ta khi chúng ta biết xưng tội. Đồng thời ta cũng cần sống trong niềm tha thứ đó bằng cách tha thứ cho kẻ khác. Bạn hãy đọc lại lời cầu nguyện này thật chậm với tôi, như là một lời cầu xin của bạn và một lời hứa nguyện trước Cha trên trời: “Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.”
~ST~