“Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ trước mặt Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:28)
Chức sứ đồ chuyển toàn bộ chiều hướng của mối tương giao của bạn với Chúa Cứu Thế sang người mà bạn đang đi cùng. Nó không phải là sự cao rao những qui tắc thuộc linh; nó giới thiệu cho người khác quen biết với một Thân Vị mà bạn yêu thương. Phao-lô đã nói rằng ông sẽ hết sức dạy dỗ và giục lòng người mà Đức Chúa Trời đặt để trong cuộc đời ông để người ấy kinh nghiệm đầy đủ thân vị của Chúa Cứu Thế (Cô-lô-se 1:29). Ông không bằng lòng với người chỉ giống Cứu Chúa một phần. Ông sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi những người xung quanh ông được hoàn toàn, hoặc trọn vẹn, ở trong Chúa Cứu Thế. Tức là bông trái của Thánh Linh sẽ được thể hiện đầy đủ qua từng cuộc đời và bản tánh của Chúa Cứu Thế được phản ảnh trong mỗi người (Ga-la-ti 5:22).
Chúng ta có thể nhầm lẫn công việc của Cơ Đốc nhân với sự trở nên giống Cứu Chúa. Công việc của Cơ Đốc nhân và sự giống Chúa Cứu Thế không phải là một. Chúng ta không được nghĩ rằng bạn của mình đi nhà thờ đọc Kinh Thánh, tức là cô ấy đang tăng trưởng như một Cơ Đốc nhân.
Những việc làm của Cơ Đốc nhân là sự bày tỏ quan trọng cho mối tương giao với Chúa Cứu Thế. Chúng có thể dẫn bạn vào mối tương giao ấy, nhưng thật nguy hiểm khi cho rằng những hoạt động tôn giáo là mối tương giao. Nếu bạn chỉ khuyến khích những người xung quanh mình tham gia vào các hoạt động tôn giáo, thì bạn không “hướng” họ theo cách mà Phao-lô đã làm. Bạn làm cho các Cơ Đốc nhân bạn không thể bộc lộ hết khả năng khi dạy họ rằng hoạt động Cơ Đốc, ngang bằng với sự trưởng thành Cơ Đốc. Đừng vội nghỉ ngơi cho đến khi những người xung quanh bạn được “trọn vẹn” trong Chúa Cứu Thế. Nếu Đức Chúa Trời giao cho bạn chăm sóc những Cơ Đốc nhân mới, bạn phải có nhiệm vụ “ở cạnh họ” cho đến khi họ được trưởng thành thật sự.