Châm Ngôn

Tiếng nói của sự cứu rỗi. Châm ngôn 1:20-33

   Sự khôn ngoan nói ra sao? Bằng một tiếng nói lớn vang lên để mọi người có thể nghe! Qua sự sáng tạo (Rô-ma 10:18, Thi thiên 19:1-4) và cả lương tâm (Rô-ma 2:14-16), điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời, đều hiển nhiên ở trong họ (thế gian hư mất), vì Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi (Rô-ma 1:19).

Nhiệm vụ của Hội thánh là rao sứ điệp Tin Lành để mọi người có thể nghe, tin và được cứu. Giống như sự khôn ngoan, chúng ta phải rao truyền đạo cách cương quyết.

   Sự khôn ngoan nói ở đâu? Ở những con đường đông người và chỗ công cộng, nơi những người bận rộn nhóm họp để chăm lo công việc của đời sống. Sứ điệp về lẽ thật của Đức Chúa Trời được thực hiện cho nơi nhóm chợ, không phải là tháp ngà! Chúng ta phải chia xẻ nó ở đầu đường ồn ào (Châm ngôn 1:21). Sự khôn ngoan còn đi đến cửa thành, nơi các quan trưởng giải quyết công việc chính thức. Cho dù con người ở đâu, họ đều cần nghe lời kêu gọi của sự khôn ngoan.

   Sự khôn ngoan nói với ai? Với ba hạng người Người đơn sơ, người nhạo báng (chế giễu, khinh miệt) và người ngu dại

- (1) Người đơn sơ là người chất phác, nhẹ dạ dễ tin nhưng không xem xét gì cả. Họ cả tin và dễ dàng bị dẫn dụ. 

- (2) Người nhạo báng nghĩ họ đã biết mọi điều và cười nhạo những điều thật sự quan trọng. Trong khi người đơn sơ có vẻ mặt ngơ ngác thì người nhạo báng có nụ cười khinh miệt.

- (3) Người ngu dại là người dốt nát về lẽ thật vì họ chậm hiểu và bướng bỉnh. Vấn đề của họ không phải là chỉ số thông minh thấp hay học vấn kém cỏi, mà chính là họ thiếu ước muốn thuộc linh để tìm kiếm và nhận ra sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Người ngu dại vui hưởng sự dại dột của mình nhưng không biết mình dại dột làm sao! Quan điểm của người dại dột hoàn toàn mang tính vật chất và con người. Họ ghét tri thức và không có mối quan tâm nào về những sự đời đời. Tôi có nhiều điều hơn để nói về vấn đề này trong chương khác.

   Sự khôn ngoan nói gì với họ?

   Thứ nhất, lời khôn ngoan đem đến một bản cáo trạng nghịch với họ (câu 22) và hỏi họ định cứ ở trong tình trạng thuộc linh nguy hiểm của họ đến bao giờ. Sự khôn ngoan đã nói với họ hết lần này đến lần khác, nhưng họ từ chối nghe, điều này sẽ tạo nên sự xét đoán họ, thậm chí nghiêm khắc hơn. Sau đó sự khôn ngoan đưa ra một lời mời để họ từ bỏ những lối ác của mình và đón nhận những món quà của bà (câu 23). Đây là lời kêu gọi đến sự ăn năn và đức tin. Sự ngôn ngoan hứa thay đổi lòng họ và dạy họ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời từ lời Đức Chúa Trời.

   Người đơn sơ, người nhạo báng và người ngu dại đáp ứng ra sao với sự khôn ngoan? Họ từ chối vâng theo tiếng của khôn ngoan, họ không nắm lấy bàn tay lời ấy đưa ra, họ cười nhạo những lời cảnh cáo của lời ấy. Hãy chú ý từ cũng trong câu 26. Vì họ cười sự khôn ngoan, ngày nào đó sự khôn ngoan cũng sẽ cười họ, vì họ đã nhạo báng, nên sự khôn ngoan sẽ nhạo báng họ. Sự khôn ngoan nhìn thấy một cơn bão của sự phán xét hầu đến, sẽ đem lại tai họa và thống khổ cho những ai chối từ lời mời của Đức Chúa Trời.

   Khi sự xét đoán đó đến, tội nhân sẽ kêu cầu Chúa, nhưng lúc đó quá muộn rồi! Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được, hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần (Ê-sai 55:6). Tội nhân sẽ gặt những gì họ đã gieo. Vì vậy chúng nó sẽ ăn bông trái của đường lối mình, và được đổ đầy đến no nê với những ý thích của riêng mình (Châm ngôn 1:31. Họ ngoảnh tai để không nghe lẽ thật (câu 32 II Ti-mô-thê 4:4) và dễ thỏa mãn khi tin những những điều giả dối. Tương phản với sự xét đoán được rao trước cho những kẻ vô tín, sự khôn ngoan hứa trước sự an toàn và bình tịnh cho những ai nghe và tin (Châm ngôn 1:33)
 

Châm ngôn với - Warren W. Wiersbe -

Lời Chúa mỗi ngày!

Đăng ký nhận bài